Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Lý thuyết Bài 28. Khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế ở Tây Nguyên (phần 1) SVIP
I. KHÁI QUÁT
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
- Tây Nguyên gồm 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
- Diện tích của vùng năm 2021 khoảng 54,5 nghìn km².
- Tiếp giáp:
+ Hai nước láng giềng là Lào và Cam-pu-chia.
+ Vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
⇒ Vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế, giao thương trong nước và thế giới.
2. Dân số
- Quy mô dân số: khoảng 6 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 1,25% (năm 2021).
- Mật độ dân số của vùng thấp nhất cả nước, năm 2021 là 111 người/km², tỉ lệ dân thành thị là 28,9%.
- Tây Nguyên có nhiều dân tộc cùng chung sống như: Xơ-đăng, Ba na, Gia-rai, Ê-đê, Cơ-ho, Kinh, Mường, HMông,...
II. KHAI THÁC CÁC THẾ MẠNH KINH TẾ Ở VÙNG TÂY NGUYÊN
1. Phát triển cây công nghiệp lâu năm
a. Thế mạnh và hạn chế
* Về tự nhiên
- Địa hình và đất:
+ Tây Nguyên có địa hình chủ yếu là các cao nguyên xếp tầng với độ cao khác nhau như các cao nguyên: Kon Tum, Pleiku, Đăk Lăk, Lâm Viên, Mơ Nông, Di Linh,...
+ Bề mặt địa hình tương đối bằng phẳng.
+ Có diện tích đất badan lớn, thuận lợi cho quy hoạch vùng chuyên canh cây công nghiệp quy mô lớn có mức độ tập trung cao.
- Khí hậu: Mang tính chất cận xích đạo, có sự phân hóa theo độ cao và theo mùa rõ rệt.
⇒ Thuận lợi cho canh tác và phát triển cây công nghiệp với cơ cấu đa dạng (cây công nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới).
- Nguồn nước:
+ Có nhiều sông như Sê San, Srêpôk, Đồng Nai,...
+ Nhiều hồ tự nhiên và nhân tạo như hồ Lắk (Đắk Lắk), hồ Ialy (Kon Tum, Gia Lai),...
⇒ Nguồn cung cấp nước tưới cho cây công nghiệp.
+ Nguồn nước ngầm có trữ lượng khá phong phú có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới vào mùa khô.
- Hạn chế:
+ Mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài 4 đến 5 tháng, gây khô hạn và thiếu nước tưới cho cây trồng.
+ Đất ở khu vực đồi núi dễ bị rửa trôi, xói mòn,...
+ Tác động của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nhất định đến diện tích và sản lượng cây công nghiệp.
* Về kinh tế - xã hội
- Nguồn lao động ở Tây Nguyên có truyền thống và kinh nghiệm trong sản xuất cây công nghiệp.
- Trình độ người lao động ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện để áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm cây công nghiệp.
- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kĩ thuật được cải thiện, khoa học - công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và chế biến sản phẩm.
- Thị trường được mở rộng cả trong nước và quốc tế,... thúc đẩy sản xuất cây công nghiệp của vùng.
- Hạn chế:
+ Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây công nghiệp có nhiều biến động.
+ Công nghiệp chế biến sản phẩm còn nhiều hạn chế.
b. Hiện trạng phát triển
- Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm lớn của nước ta.
- Diện tích cây công nghiệp lâu năm luôn chiếm tỉ lệ cao so với cả nước. Năm 2021, diện tích cây công nghiệp lâu năm của vùng là 981,2 nghìn ha, chiếm 44,5% diện tích cây công nghiệp lâu năm của cả nước.
- Vùng đã ứng dụng công nghệ cao (công nghệ sinh học, tự động hóa,...) trong sản xuất và chế biến nên năng suất và chất lượng sản phẩm tăng.
- Công nghiệp chế biến các sản phẩm đã được hiện đại hoá, xây dựng được một số thương hiệu cà phê, hồ tiêu,... trên thị trường thế giới.
* Cơ cấu cây công nghiệp: khá đa dạng. Một số cây công nghiệp chính là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, mắc ca, ca cao,...
- Cà phê: Là cây công nghiệp quan trọng số một ở Tây Nguyên. Năm 2021, vùng chiếm khoảng 90% diện tích và 94% sản lượng cà phê của cả nước. Nhiều công nghệ mới được ứng dụng trong sản xuất, thâm canh cà phê, tạo ra sản phẩm sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cà phê được trồng nhiều nhất ở tỉnh Đắk Lắk.
- Cao su: Năm 2021, vùng chiếm khoảng 25% diện tích cao su của cả nước. Cao su được trồng chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
- Hồ tiêu: Đang được phát triển mạnh ở Tây Nguyên, diện tích có xu hướng tăng nhanh. Các tỉnh trồng nhiều hồ tiêu là Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai.
- Điều: Là cây công nghiệp đang được chú trọng phát triển, là mặt hàng xuất khẩu có giá trị của vùng. Tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng.
- Chè: Diện tích năm 2021 chiếm gần 9% diện tích chè của cả nước, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng. Hiện nay, vùng đã ứng dụng công nghệ mới trong trồng, chăm sóc và chế biến chè. Các nhà máy chế biến chè trong vùng tập trung ở Lâm Đồng và Gia Lai.
- Ngoài ra, các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk phát triển một số cây công nghiệp như ca cao, mắc ca,... bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây